"làm thế nào để trở thành digital marketer?"
tôi bắt đầu đầu thấy việc "dạy" là việc vô vàn khó khăn. thấy từ lúc đứng những buổi đầu tiên trong lớp nói chuyện với học viên hay những ngày làm việc với cộng sự mới, nhân viên mới. tôi thấy "dạy" là một khái niệm tương đối mơ hồ và phải thật sự lão luyện, ghê gớm mới có thể dạy được ai đó.
tôi gọi những buổi giảng của mình trong lớp là những buổi chia sẻ, thi thoảng chúng lại giống các buổi kể chuyện. tôi đưa ra lời khuyên trên những câu chuyện, đưa ra những giải pháp dựa trên việc đặt câu hỏi của học viên, yêu cầu các bạn tự vận động để trả lời câu hỏi của chính mình. tôi nghĩ phương pháp này tương đối vất vả cho cả đôi bên nhưng nếu các bạn theo được, các bán sẽ giỏi. tôi cố gắng diễn giải những khái niệm một cách đơn giản nhất và ngừng lại ở đó, việc tư duy tiếp theo, việc tự định nghĩa lại thuộc về các bạn. đó là một hành trình khác, liên quan đến trải nghiệm, chỉ có thể tự đi bằng sức của mình.
trong lớp "digital marketer", tôi không dạy, tôi chỉ có hai nhiệm vụ:
- đưa ra lời khuyên
- giải đáp thắc mắc
"làm thế nào để trở thành digital marketer?", câu trả lời là trước hết hãy bỏ chữ digital qua một bên, hãy trở thành một marketer.
"làm thế nào để học cách trở thành marketer?", câu trả lời là hãy học ở một trường nào đó có chuyên ngành marketing và hãy học thật chăm chỉ. hãy nỗ lực đủ để kết thúc bốn năm đại học và tích luỹ đủ kiến thức nền tảng cần thiết. việc trải qua bốn năm học vất vả này giúp cho các bạn đỡ mất thời gian khi vào nghề, khi đối mặt với những công việc thật sự ở những môi trường làm việc tôn trọng tính kỷ luật, tôn trọng năng lực. kiến thức nền tảng sẽ giúp các bạn đỡ sai, đỡ lúng túng khi xử lý công việc thực tế. những kiến thức có được ở đại học giúp bạn đặt ra nhiều câu hỏi mà câu trả lời sẽ có trong quá trình các bạn làm việc.
"học ngành khác có thể làm marketer được không?", câu trả lời là có. nhưng bạn có hai lựa chọn kể từ lúc bắt đầu phát hiện ra mình thích marketer. một, bỏ học và chuyển sang học marketing. hai, nỗ lực nhiều gấp hai lần, ba lần để có thể giữ sự tập trung ở hai thứ: trường đại học đang học và nghề mà bạn sẽ theo đuổi. chọn hai, bạn vẫn phải học thật giỏi ngành cũ đã chọn bởi vì nếu không bạn sẽ thấy mình cực kỳ lãng phí. những kiến thức này sẽ hữu dụng ở tương lai, đừng lo.
"học marketing như thế nào?", câu trả lời là hãy bắt đầu với sale. bán hàng và quan sát quá trình bán hàng sẽ giúp cho các bạn có những kiến thức cơ bản về kinh doanh. những câu hỏi mà bạn phải hỏi đi hỏi lại, tự bạn phải trả lời là:
- mình muốn làm gì?
- mình có thể làm gì? mình làm giỏi nhất chuyện gì?
- mình làm gì thì có thể nuôi sống được chính mình?
- hiện tại mình như thế nào, điểm nào manh, điểm nào yếu, đo như thế nào?
- một năm nữa mình như thế nào, ba năm nữa, năm năm nữa? lúc đó người ta sẽ trả lương cho mình bao nhiêu?
- mình làm gì để thay đổi được năng lực của mình trong một năm? kế hoạch cụ thể là?
bạn cần trả lời và trả lời thật cụ thể, chi tiết. sau đó nhào vào làm, làm và làm. những câu trả lời này người khác không trả lời cho bạn được. phải chính bạn, chính bạn nhìn thẳng vào vấn đề, tự giải quyết.
hãy apply vào một công ty nào đó xin làm việc, đừng ngại khó, vừa làm vừa quan sát. làm tốt việc bạn được giao, hiểu bản chất của công việc, quan sát những thứ diễn ra mỗi ngày ở nơi làm việc là những gì bạn học được. những thứ này rất hữu ích và chỉ có bạn mới có thể làm được. đừng kỳ vọng gì ở sếp trực tiếp hay đồng nghiệp, họ không giúp bạn đâu. hãy tin điều đó. bạn giỏi, họ sẽ tôn trọng bạn. bạn giỏi và có tiềm năng để giỏi hơn, họ sẽ làm việc cùng bạn.
kiến thức về marketing sẽ nằm đâu đó trong sale, và ngược lại. bạn cần hiểu về sản phẩm và trả lời được những câu hỏi giá trị của sản phẩm này là gì, người mua sẽ nhận được gì, mình cần làm gì để có thể thuyết phục họ mua sản phẩm. bạn cần tôn trọng đồng nghiệp, khách hàng, đối thủ. bởi vì marketing là một quá trình quản trị mối quan hệ và xây dựng giao tiếp giữa người bán và người mua. học được cách tôn trọng mối quan hệ, bạn sẽ học được cách kiểm soát nó.
có nhiều thứ hay ho về việc học marketing mà rất nhiều anh chị bạn bè trong ngành chia sẻ đâu đó trên mạng. bạn cần đọc, suy luận xem tại sao họ lại nói vậy và hành động. bạn cần đến những hội thảo và đặt những câu hỏi ngang tầm để cùng thảo luận với họ. đừng tìm kiếm nguồn cảm hứng từ câu chuyện của người khác. khi bạn nỗ lực đủ, bạn sẽ thấy cảm hứng đến từ chính câu chuyện của bạn.
"làm thế nào để học digital?", câu trả lời khá đơn giản. hãy làm quen với những thứ mà bạn đang dùng mỗi ngày. từ google (email, drive, calendar, photos,...), facebook, instagram, tumblr, pinterest, linkhay,... hãy tìm hiểu các tính năng của các công cụ mà bạn đang sử dụng. mỗi khi có thứ gì mới xuất hiện, hãy tìm hiểu bằng cách tải về, tạo tài khoản và học cách sử dụng. hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể khi sử dụng các công cụ giao tiếp mới trên internet này. bạn phải sử dụng thành thạo tất cả những công cụ search, email, social network, ott,... thì mới biết cách dùng chúng để làm marketing. hãy bắt đầu với những điều đơn giản như vậy. internet và digital world không được tạo nên bởi một ngày mà đã đi qua được vài mươi năm. những gì mà các bạn đang thấy không phải là tất cả, hãy lao vào, lật tung mọi thứ lên, tìm hiểu lại và sử dụng tiếp những thứ bạn đang có mỗi ngày. Sẽ không có giới hạn thời gian mà phải là bắt đầu ngay, sau đó đi tiếp năm năm hay mười năm và đến khi nào bạn chán ngán digital, không muốn làm digital marketing nữa thì thôi.
tôi không thể viết dài hơn, chung quy đây cũng chỉ là lý giải của tôi, cách tôi đã và đang học. bạn có thể theo hoặc không, tuỳ bạn. tôi tin vào chuyện mỗi người đều phải tự đi hết bằng được con đường của mình. tôi không tin vào lời nói, tôi tin vào hành động. mỗi câu hỏi đặt ra, chúng ta đều phải tự trả lời trước khi có sự tham chiếu từ người khác. nếu không đi, bạn sẽ không có câu trả lời cho chính bạn.
"copywriter thì sao? phải bắt đầu từ đâu?", đây là câu hỏi phụ và ngạc nhiên chưa, copywriter là marketer. marketer làm thiên về mảng sáng tạo ý tưởng, tập trung phát triển kỹ năng viết và sử dụng ngôn ngữ để làm công cụ làm marketing thì được gọi là copywriter.
Nguồn: Facebook
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét