Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

[HR/Leader] Làm sao để quản lý người giỏi hơn mình?

Chắc hẳn trong công ty sẽ luôn có những nhân viên “ngôi sao” - những người nổi bật, có kinh nghiệm, chuyên môn và năng lực làm việc tốt. Những nhân viên này có thể sẽ đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của công ty nhưng đồng thời cũng sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các nhà quản lý trực tiếp của họ.

Vậy những tình huống nào nhà quản lý sẽ hay gặp phải khi làm việc với những nhân viên “ngôi sao” này? Anh/chị nào đã từng gặp phải tình huống này thì hãy chia sẻ với mọi người nhé.
---
Để làm phong phú thêm chủ đề thú vị này, ANPHABE đã phỏng vấn chị Đào Lê Duyên, Giám đốc nhân sự công ty BAT. Chị Duyên hiện có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Quản Trị Nhân Sự. Trước BAT Vietnam chị Duyên từng giữ chức vụ Giám Đốc Nhân Sự của Khách Sạn Park Hyatt Saigon. Khi ở BAT chị cũng đã được luân chuyển giữ các chức vụ khác nhau ở các nước trong đó có Campuchia và khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chị Duyên tốt nghiệp Thạc Sỹ Quản Trị Du Lịch Đại Học Nottingham – Anh Quốc.
CÂU HỎI: Những khó khăn nhà quản lý cấp trung hay gặp phải khi quản lý người giỏi hơn mình là gì?
TRẢ LỜI: Những người xuất chúng mức độ cạnh tranh cá nhân rất cao dẫn đến việc rất khó quản lý. Về mặt tâm lý, người quản lý rất dễ mất kiểm soát khi quản lý những người như vậy, dễ cảm thấy mình kém cỏi hơn, sợ bị mất mặt. Từ tâm lý sợ hãi đó rất dễ dẫn tới việc gây khó khăn trong công việc đối với người nhân viên, rồi tạo áp lực để người nhân viên nghỉ việc. Cũng có tình huống anh này giỏi quá, dẫn đến việc buông lỏng quản lý.
CÂU HỎI: Dưới góc độ người làm nhân sự, chúng ta có thể làm gì để hỗ trợ những người quản lý trong trường hợp này?
TRẢ LỜI: Việc hỗ trợ từ công ty rất cần thiết, tuy nhiên, việc làm được và quản lý được nhân tài này hay không đến trực tiếp từ người quản lý. Ở công ty hiện tại của mình, có 2 điểm mấu chốt mà mình rất tập trung là kế hoạch phát triển kế nhiệm và mô hình HRBP. Mỗi một bộ phận sẽ có bạn chuyên phụ trách nhân sự để làm việc sâu sát với từng nhân viên trong bộ phận để giúp người lãnh đạo bộ phận đó làm sao phát triển tốt hơn kế hoạch kế nhiệm cũng như kế hoạch đào tạo nhân sự.
CÂU HỎI: Trường hợp các công ty bỏ ra một số tiền lớn để mời một số nhân tài về làm việc, khiến cho một vài nhân sự hiện tại của công ty bất mãn, so sánh,… nên xử lý như thế nào?
TRẢ LỜI: Đây là điểm bức xúc chung trên cả thị trường lao động. Khi mang một người vào thì mình phải tiên liệu trước chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể người cũ sẽ nghỉ hoặc sẽ cảm thấy không phục và không hợp tác với người mới. Khi mang một người vào phải thấy trước được tiềm năng người đó mang đến cho tập thể là gì, phải tạo một môi trường cạnh tranh công bằng cho cả người cũ và người mới.
CÂU HỎI: Trường hợp người quản lý cảm thấy bị nhân viên giỏi giành mất vinh quang, dẫn đến việc cố gắng gây cản trở, xử ép,… nên xử lý thế nào?
TRẢ LỜI: Vấn đề đến từ hai người, quan trọng là hai người phải ngồi lại để nói chuyện cùng nhau, tìm tiếng nói chung để có thể bắt nhịp. Cách tốt nhất là phải có một người quản lý cấp cao hơn, ảnh hưởng được cả hai người, ngồi xuống cùng hai người và yêu cầu họ giải quyết. Nếu cả hai không làm việc được với nhau thì dự án cũng sẽ chẳng đến đâu và mục tiêu chung của cả đội cũng không hoàn tất.
CÂU HỎI: Cách nhà quản lý đối xử với nhân viên bình thường và nhân viên “ngôi sao” có gì khác biệt?
TRẢ LỜI: Không cần thiết có sự quản lý rất khác biệt khi đối xử với hai kiểu nhân viên trên. Nhưng những nhân viên “ngôi sao” là những người dám nghĩ, dám nhận thêm thử thách nên cần nắm bắt ngay cơ hội đó. Trách nhiệm càng cao, lương có cao hơn một chút cũng được. Đó là chỗ có thể quản lý khác biệt, tạo điều kiện cho nhân viên “ngôi sao” học thêm nhiều kĩ năng. Nếu họ sẵn sàng thì họ có thể đi nhanh hơn so với nhân viên bình thường.
CÂU HỎI: Khi nhân viên “ngôi sao” có thái độ cư xử như ngôi sao, nhà quản lý nên làm thế nào? 
TRẢ LỜI: Người quản lý cần can đảm, ngồi xuống và đối thoại với nhân viên”ngôi sao” của mình. Sau đó biết được nhân viên này giỏi ở điểm nào, điểm nào chưa giỏi và điểm nào phải học nhiều hơn, từ đó tạo điều kiện để họ phát triển và tìm được cách quản lý phù hợp.
CÂU HỎI: Có khi nào chúng ta cố tình đặt nhân viên “ ngôi sao” dưới một nhà quản lý cấp trung để tạo áp lực cho nhà quản lý ấy nâng cao khả năng quản lý của mình không?
TRẢ LỜI: Thật sự thì mình cảm thấy là có. Nói đến quản lý, sẽ có những nhà quản lý “ngôi sao” và nhà quản lý bình thường. Đây sẽ là cách để buộc những nhà quản lý bình thường phấn đấu hơn.
CÂU HỎI: Xin chị một vài lời khuyên cho những nhà quản lý có thể xây dựng mối quan hệ hiệu quả với nhân viên xuất sắc của mình.
TRẢ LỜI: Lời khuyên của mình gói gọn trong 3 điều: Mạnh dạn, cầu tiến và cởi mở. Các nhà lãnh đạo hãy mạnh dạn  mang thêm những nhân tài vào đội nhóm của mình, tiếp tục trau dồi những kĩ năng lãnh đạo của mình, đừng ngần ngại để học hỏi từ những nhân tài để mình có thể tiến xa hơn vì mục đích chung của cả nhóm.
Xin cảm ơn những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích của chị Duyên!
---
Điều những nhân viên giỏi cần là một thủ lĩnh giỏi về “Tâm & Tầm” chứ không phải một đồng nghiệp thạo việc như họ. Nhớ đến Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không tài giỏi nhưng ngang tàng, phách lối lại quy phục Đường Tăng vốn chả biết gì võ công phép thuật. Hay Lưu Bị tuy không thể so với Gia Cát Lượng về trí thông minh và tài mưu lược nhưng vẫn có thể thu dụng quân sư giỏi nhất thời đó.
Hãy bắt đầu với việc gia tăng sự tín nhiệm và giá trị của bạn với nhân viên bằng việc chia sẻ những định hướng chung giàu cảm hứng. Sự chân thành, gần gũi và tin cậy lẫn nhau sẽ là bước khởi đầu cho thành công tương lai.
Đừng ngại ngần giao cho người giỏi những công việc đầy thử thách và để họ được khám phá, học hỏi từ những điều mới. Chính lãnh đạo cũng phải cởi mở để tạo môi trường học hỏi lẫn nhau thì mới cùng nhau tiến tới mục tiêu chung được.
Tuyển chọn được những cái đầu giỏi hơn mình, công ty sẽ có những lợi ích đáng kể. Vì thế, thay vì sợ người giỏi hơn sẽ lấn lướt mình, hãy trở thành nhà quản lý giỏi - “cục nam châm” thu hút thêm nhiều nhân tài cho doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét