Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Đâu là dấu hiệu của một nhân viên “tạm bợ”?



Sau vài năm làm việc cho 3 công ty (từ lúc thực tập, làm hợp đồng, làm công ty hiện tại), tiếp xúc với đủ loại người thì mình cũng quan sát và rút ra được cách ứng xử của giới văn phòng. Chia sẻ với các bạn vài dấu hiệu “kinh điển” của một nhân viên không thể gắn bó lâu dài với công ty nhé (cả bị thôi việc hoặc tự thuyên chuyển vì nản). Nếu vẫn cảm thấy gắn bó với nơi làm việc hiện tại và không muốn nằm trong “danh sách đen” của các sếp, bạn nên tham khảo để tránh các biểu hiện sau đây:

1. Hay phàn nàn

Đây là tình trạng phổ biến của một nhân viên không được việc. Vài đồng nghiệp của mình luôn cảm thấy không đủ hoặc không hài lòng với công việc và thường bàn lui trước các thử thách. Chính vì vậy, gần đây trong các bản mô tả công việc thường có yêu cầu về Can-do attitude, dịch thoát là tinh thần lạc quan, say ‘yes’. Có chí ắt làm nên mà.

2. Thiếu sự nhiệt tình trong công việc

Tuýp này thường tỏ ra không mấy hào hứng khi khởi động những dự án, ý tưởng mới. Vào họp mà như thiếu ngủ ấy. Điều này đặc biệt không phù hợp với những môi trường cần sự hợp tác và môi trường làm việc năng động như ở các công ty khởi nghiệp hoặc những công ty dịch vụ khách hàng.

3. Lạc lõng với tập thể

Điều mà các nhà tuyển dụng luôn cân nhắc trong các buổi phỏng vấn là liệu một ứng viên có thể hòa hợp với đội ngũ hiện tại hay không. Một ứng viên giỏi cũng có thể không phải là một “mảnh ghép hoàn hảo” nếu họ chỉ thích làm việc một mình hoặc tự cho mình là “biết tuốt”. Hãy chắc chắn rằng ngay cả khi bạn đã là nhân viên “gạo cội”, bạn vẫn không ngừng học hỏi từ những đồng nghiệp và gắn kết tốt với mọi người. Ông bà dạy: Thêm một người bạn, thêm một con đường mà.

4. Tính ì

Bên cạnh những “ngựa chứng”, những nhân viên “an phận thủ thường” cũng không nằm trong danh sách ưu ái của các sếp. Những nhân viên này thì mình gặp không ít. Họ thường không hào hứng đóng góp các sáng kiến cải tiến quy trình mà chỉ chăm chăm hoàn thành và hài lòng với những gì sẵn có. Họ cũng ngại đưa ra câu hỏi và tìm hiểu những vấn đề mới. Tuýp này cũng thường hay “đẩy việc”.

5. Thiếu tinh thần trách nhiệm

Chắc chắn rằng chẳng ai (sếp của bạn cũng vậy) muốn làm việc với những người không hoàn thành công việc đúng hạn, đi trễ về sớm, thất hứa hoặc tệ hơn, trốn tránh trách nhiệm cho những hành động của bản thân (tuýp nà đôi khi còn mượn nợ quên trả nữa).

Vài ý kiến theo kinh nghiệm của bản thân. Hoan nghênh các bạn chia sẻ thêm để nhận diện ngay những nhân viên “sẽ chia tay sớm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét