Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Tổng quan công ty BVI

British Virgin Islands (BVI) là một quần đảo trên vùng biển Caribê với diện tích vài trăm km2 và dân số khoảng 22.000 người.
BVI vốn là thuộc địa của Anh, nay là khu vực tự trị. Để cho khu vực tự trị xa xôi của mình có thu nhập và cũng để thu hút vốn nước ngoài, chính quyền Anh tạo một cơ chế mở về kinh doanh và đầu tư tại BVI với những điều kiện về kinh doanh, chính sách thuế khác biệt so với chính sách áp dụng tại chính quốc.
Vì lẽ này, mặc dù với diện tích và số dân rất nhỏ bé nhưng có tới hơn 800.000 doanh nghiệp nước ngoài đã được thành lập tại BVI. Một nửa trong số này vẫn đang hoạt động. Nguồn thu từ việc cấp phép thành lập và chi phí duy trì công ty chiếm hơn nửa trong GDP của BVI, tạo cho thu nhập bình quân đầu người tại BVI lên đến gần 40.000 Đô la Mỹ/năm.
Dù không có con số thống kê chính thức nhưng số lượng doanh nghiệp được thành lập tại BVI (gọi tắt là công ty BVI) để đầu tư vào Việt Nam chắc chắn chiếm con số rất lớn. Tại Trung Quốc, công ty BVI đầu tư vào đây chỉ đứng sau Hồng Kông.
Thành lập công ty tại BVI để đầu tư sang một nước khác có điều gì hấp dẫn đến vậy?
Lợi thế của công ty BVI
Thứ nhất, phải nói đến chính sách thuế. Công ty BVI và cổ đông không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào đánh vào thu nhập công ty, vào cổ phần, chứng khoán hay lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phần hay cổ tức.
Ngoài ra, cũng không có bất kỳ loại thuế nào đánh vào tài sản thừa kế hay tài sản tặng từ cổ đông hay của công ty cho một bên thứ ba. Vì vậy, BVI được coi là thiên đường về thuế (tax haven) nơi nghĩa vụ tài chính của công ty với chính quyền, nếu có, chỉ là phí thành lập và duy trì công ty hàng năm.
Ở đây có một điểm lưu ý quan trọng là để được hưởng chính sách miễn thuế, công ty BVI không được quyền kinh doanh với tổ chức, cá nhân nội địa. Các công ty BVI được thành lập chỉ cho mục đích hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ BVI mà thôi.
Thứ hai, hình thức doanh nghiệp đa dạng, bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần (theo nghĩa của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam) có hay không có vốn điều lệ, công ty TNHH/cổ phần được thành lập bởi cam kết thanh toán của cổ đông (guaranteed company), công ty trách nhiệm vô hạn...
Thứ ba, thủ tục thành lập dễ dàng. Đạo luật điều chỉnh công ty hiện hành tại BVI là Đạo luật công ty kinh doanh BVI năm 2004 (BVI Business Companies Act 2004). Đạo luật này được coi là một trong những đạo luật về công ty trao nhiều quyền định đoạt cho các bên và ít quy định bắt buộc của cơ quan quản lý nhất thế giới. Về cơ bản, các bên có quyền thỏa thuận mọi điều khoản trong điều lệ (articles of association) và thỏa thuận thành lập (memorandum of association) sao cho đáp ứng đúng nhu cầu của các bên khi thành lập một doanh nghiệp.
Ví dụ, Đạo luật công ty BVI cho phép công ty:
(i) được thành lập với tối thiểu một cổ đông và một thành viên hội đồng quản trị;
(ii) công ty không cần phải có thư ký (cơ quan có chức năng gần giống ban kiểm soát theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam);
(iii) không có yêu cầu về vốn pháp định hoặc phải duy trì mức vốn tối thiểu nào đó;
(iv) cổ phần có thể có hoặc không có mệnh giá, được phát hành theo bất kỳ loại tiền tệ nào hoặc bởi nhiều loại tiền tệ đồng thời;
(v) cổ phiếu có thể là ghi danh hoặc không ghi danh (bất kỳ người nào giữ cổ phiếu là cổ đông công ty);
(vi) không phải lập sổ sách công ty và không phải nộp sổ sách này cho cơ quan đăng ký;
(vii) không phải nộp báo cáo tài chính hàng năm;
(viii) các bên có quyền tự thỏa thuận về tỷ lệ số phiếu cần thiết để tổ chức cuộc họp và thông qua một nghị quyết hay quyết định;
(ix) công ty có quyền mua lại cổ phần của mình mà không có hạn chế...
Ngoài ra, tại BVI cũng không có bất kỳ quy định nào về quản lý ngoại hối.
Thứ tư, lệ phí thành lập và duy trì công ty thấp. Lệ phí thành lập thông thường là 350 Đô la Mỹ và lệ phí duy trì hàng năm là số tiền tương tự. Thù lao cho công ty luật hoặc công ty tư vấn giúp thành lập công ty vào khoảng từ 1.000 - 1.500 Đô la. Việc thành lập công ty cũng nhanh chóng, trong vòng hai đến ba ngày. Nếu sử dụng dịch vụ của công ty luật hoặc công ty tư vấn thì có thể thành lập công ty ngay trong ngày.
Thứ năm là tính bí mật về danh tính cổ đông. Khi thành lập, công ty BVI phải nộp văn kiện thành lập công ty, bao gồm thỏa thuận thành lập và điều lệ cho cơ quan đăng ký tại BVI (Registry of Corporate Affairs) và công chúng có quyền tiếp cận các văn kiện này. Tuy nhiên luật không yêu cầu các bên phải nêu trong văn kiện thành lập thông tin về cổ đông, thành viên hội đồng quản trị hay quan chức khác. Ngoài ra, luật cũng cho phép các bên được chỉ định người đứng tên thay mình (nominee) là cổ đông hay thành viên hội đồng quản trị trong công ty. Như vậy, về cơ bản chủ sở hữu/cổ đông công ty hoàn toàn nặc danh với thế giới bên ngoài.
Một số lưu ý cho Việt Nam
Vì những điều kiện thông thoáng trong việc thành lập và hoạt động công ty nên có nhiều quan ngại về hoạt động không hợp lệ của công ty BVI. Cụ thể như sau:
Rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Đã có rất nhiều cáo buộc trên thế giới rằng nhiều công ty BVI được thành lập để phục vụ cho hành vi rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Trốn thuế. Cổ đông công ty BVI có thể trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận về công ty BVI mà không khai báo về lợi tức với cơ quan thuế nơi cổ đông cư trú. Để đối phó với tình trạng này, Liên hiệp châu Âu (EU) đã thỏa thuận với một số khu vực thiên đường thuế (bao gồm cả BVI) về việc chia sẻ thông tin về lợi nhuận của cư dân EU tại các khu vực này. Theo đó, hoặc các khu vực trên chia sẻ thông tin chi tiết về tài khoản và lợi nhuận của cư dân EU cho nước thành viên EU hoặc phải áp mức thuế khấu trừ tại nguồn là 20% trên lợi tức mỗi cá nhân. Khu vực thiên đường thuế sẽ trực tiếp thu khoản 20% này và sau đó chuyển cho nước thành viên EU nơi cư dân đó cư trú.
Chuyển giá (transfer pricing). Lợi nhuận sẽ được chuyển về BVI chứ không phải nơi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Lấy ví dụ một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu gạo A tại Việt Nam thành lập ở BVI hoặc Singapore (cũng được coi là thiên đường về thuế) một công ty B. Lẽ thường khi có khách hàng C đặt hàng thì A sẽ bán hàng trực tiếp cho C và A sẽ nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam.
Tuy nhiên, để tránh thuế, A sẽ bán hàng cho công ty con của mình là B với mức giá bằng hoặc cao hơn một chút so với giá vốn. Sau đó B sẽ bán lại cho C với giá thỏa thuận (vốn cao hơn rất nhiều giá A bán cho B). Lợi nhuận từ giao dịch này, vì lẽ đó, sẽ nằm ở thiên đường thuế BVI hoặc Singapore. Trường hợp chuyển giá cũng được áp dụng tương tự khi một bên nước ngoài bán hàng cho một bên Việt Nam nhưng thông qua một giao dịch trung gian với một công ty BVI.
Thao túng. Các công ty BVI thường được thành lập cho một mục đích cụ thể nào đó, có thể là hợp pháp như sở hữu một khối tài sản nhất định, niêm yết trên thị trường nước ngoài, tránh tai tiếng (nếu có) với công ty mẹ hay có thể là mục đích bất hợp pháp. Trong vụ phá sản của Enron năm 2001, Ban giám đốc Enron trước đó đã thành lập một số doanh nghiệp tại BVI nhằm mục đích thao túng giá cổ phiếu của Enron. Cuộc khủng hoảng thế chấp nhà đất của Mỹ gần đây cũng lộ ra rằng nhiều nợ xấu của ngân hàng đã được chuyển cho công ty BVI thành viên để bảo đảm sổ sách kế toán của ngân hàng mẹ là sạch (ngân hàng vẫn tiếp tục có lãi nhưng thực tế thì đang lỗ nặng).
Lừa đảo. Vì lý do thành lập và giải thể quá dễ dàng cũng như tính hữu hạn và nặc danh của cổ đông, công ty BVI có thể được thành lập để phục vụ cho mục đích lừa đảo. Ở Việt Nam đã xảy ra một vụ theo đó bên đối tác mua hàng đã dành được một số tín nhiệm ban đầu của bên bán Việt Nam. Khi ký kết hợp đồng mua bán, bên mua hàng cũng sử dụng đúng tên mà mình thường giao dịch với bên Việt Nam.
Chỉ có một điểm khác biệt duy nhất là trong hợp đồng công ty mua lại là công ty được thành lập tại BVI mà không phải là công ty mẹ tại chính quốc. Bên bán không biết về việc này mà giao hàng cho công ty BVI. Sau khi nhận xong hàng, công ty BVI bỗng bốc hơi. Việc truy đòi trách nhiệm của công ty BVI cũng như đối tác giao dịch ban đầu (công ty mẹ) là điều hoàn toàn không khả thi cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn cho công ty Việt Nam.
Vì một số quan ngại như trên, doanh nghiệp và nhà quản lý Việt Nam nên cẩn trọng hơn về mặt pháp lý và nghĩa vụ tài chính đối với công ty có nguồn gốc BVI.
* Một số quốc gia/vùng lãnh thổ được coi là thiên đường về thuế:
Antigua và Barbuda, Bahamas, Bermuda, BVI, Cyprus, Hồng Kông, Isle of Man, Jersey, Liechtenstein, Macau, Mauritius, Monaco, Panama, quần đảo Cayman, Singapore, tiểu bang Delaware Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, United States Virgin Islands.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét