“Nếu lấy cột mốc là Trái Đất thì chẳng phải Mặt Trời đang quay quanh Trái Đất sao?”. Tôi thích câu nói này, bởi vì nó cho thấy, không có gì là tuyệt đối, cũng chẳng có gì là sai hoàn toàn. Cái đúng hay sai tùy thuộc vào thời điểm, hoàn cảnh và cả quy ước của con người. Nhưng bởi chúng ta đang lấy thước và kẻ 1 đường thẳng, hễ không đúng thì sẽ là sai, không có thứ gì nằm giữa lằn ranh đó, nên nếu không viết đúng chính tả, thì dù bạn có dùng hệ quy ước gì, đối với hệ thống chung, thì bạn cũng đang viết sai. Mà đã là viết sai thì nên sửa, không phải vì mọi người sẽ cười cợt bạn, mà vì bạn nên hoàn thiện mình.
Tôi có 1 người anh, nói rằng, đúng hay sai những thứ tiểu tiết không quan trọng, quan trọng là suy nghĩ và hành động. Cũng đúng, nhưng vì tôi làm trong nghề thường xuyên phải viết, nên tôi khá khắt khe trong câu chữ, tôi cũng cần những người xung quanh tôi cũng kĩ lưỡng như vậy, để tôi cảm thấy an toàn.
Nói về việc sai chính tả, thường có 4 lí do cơ bản sau:
#1: Không chú ý
Khi viết nhanh hoặc không tập trung vào câu đang viết, người viết sẽ dễ mắc lỗi, không chỉ về chính tả mà còn là dấu câu và lỗi đánh máy. Lỗi này tự người viết cũng sẽ nhận ra khi đọc lại bài của mình và có thể tự sửa. Nhìn chung, đây không phải là người hay viết sai chính tả, chỉ cần tập trung hơn là ổn.
#2: Sai ngay từ nhỏ
Người viết sai chính tả đã sai ngay từ nhỏ thì rất khó sửa. Một là do không cẩn thận và không thích môn chính tả ngay từ nhỏ, hai là người hướng dẫn chưa chỉ ra được cách phân biệt giữa các từ như “sao” với “sau”, “nghỉ” với “nghĩ”, “sửa” với “sữa”, … nên từ bé, người đó đã có thói quen viết theo ý thích, và lớn lên cũng vậy. Với người viết sai chính tả từ nhỏ, có thể sai 1 vài từ hoặc hầu hết các từ, cần phải có thời gian luyện tập và có cách hiểu đúng nhanh chóng khi viết.
#3: Gặp khó khăn khi xác định chữ này hay chữ kia hoặc dấu này hay dấu kia
Người này biết được ngay ở vị trí nào, từ nào mình sắp sửa viết sai. Ý thức được là ở vị trí này, chữ “s” hoặc “x” mới đúng, dấu hỏi hay dấu ngã mới đúng, nhưng không biết chọn sao cho đúng. Người viết thường có 2-3 sự lựa chọn và chọn đại 1 thứ khi thấy nó “có vẻ đúng”. Sự phân vân này kéo dài chứ không phải chỉ đơn giản là đã chọn được chữ đúng hay được mách chữ đúng là sẽ sửa được. Ví dụ “sẵn” với “sẳn”, người viết lần này phân vân dùng dấu hỏi hay dấu ngã, thì lần tiếp theo cũng sẽ phân vân y hệt, mặc dù lần trước có viết đúng cũng chưa thể hình thành thói quen cho các lần sau.
Bạn khó khăn khi phải xác định “cái nào” đi với”cái nào” trong trường hợp nào?
#4: Không biết mình đang viết sai
Thật khó khăn khi chính mình cũng không biết mình viết sai ở đâu, thì làm sao có thể sửa lỗi? Nếu bạn vân phân thì có thể tra từ điển hoặc hỏi người khác, nhưng đã mặc định là mình viết đúng và trong cả đoạn văn, cả bài văn không tự tìm ra được lỗi sai hoặc người khác có tìm ra được lỗi sai thì cũng rất khó để sửa.
—
Viết sai chính tả có thể sửa được không và cách khắc phục như thế nào?
#1: Tập trung
Nếu bạn bắt đầu có dấu hiệu viết sai chính tả hoặc nhận ra rằng mình cần phải chỉnh đốn chính tả, câu cú lại, thì mỗi khi viết, bạn cần phải tập trung nhiều hơn vào những gì mình viết. Một trong những người không phải sai chính tả từ nhỏ, thường than thở rằng họ biết cách viết đúng, nhưng lại tự mình sai và cũng không để ý. Nếu tập trung hơn vào bài viết, có thể tự ngăn ngừa việc sai chính tả này một cách dễ dàng.
Sự tập trung sẽ giúp bạn viết đúng chính tả hiệu quả
Để có thể tập trung được, bạn cần có không gian. Không nên viết khi:
- Đang ở chỗ đông người.
- Đang lơ là với những trang giải trí khác.
- Đang có tâm trạng không tốt: tức giận, khó chịu, lơ đễnh, mộng mơ, … nhưng có thể viết khi buồn.
- Đang có việc khác chen vào, ví dụ check mail, nghe điện thoại, đi in giấy tờ, … vì nó vừa phá hủy sự tập trung vừa phá luôn cả ý tứ, nhịp điệu của bài.
Để tập trung được, bạn có thể set up không gian riêng cho mình.
- Dọn sạch bàn làm việc, chỉ để lại laptop hoặc sổ viết.
- Uống đủ nước.
- Ánh sáng vừa phải, không quá tối hoặc quá sáng.
- Không khí mát mẻ.
- Một ít âm nhạc khe khẽ, không lời, hoặc nếu bạn dễ bị tác động bởi âm thanh thì có thể bỏ qua phần này.
- Tạo 1 khung sườn trước khi viết, để tránh lạc lối và phải tìm thêm ý sau mỗi đoạn văn.
#2: Chú ý từng từ
Chú ý ở đây không cùng nghĩa với tập trung. Chú ý chính là để ý và ghi nhớ. Có thể xảy ra lúc bạn đọc (thu vào) và viết (ứng dụng). Ví dụ, ở một bài báo nào đó (đảm bảo rằng nguồn báo đó là chính thống và họ rất hiếm khi mắc lỗi), bạn nhận ra rằng “san sẻ” chứ không phải là “xan xẻ” hay “sang sẻ”. Ghi chép vào 1 quyển sổ tay hoặc bất kì đâu, như tờ note dán tường hay laptop. Nhìn chúng hằng ngày và chắc rằng khi gặp lại từ này hay phải viết lại từ này, bạn sẽ viết đúng.
Thường xuyên đọc/học những bài từ nguồn chính thống để tăng khả năng viết đúng
Nhiều người không ý thức được mình đang viết sai dù đã gặp từ đó ở thể đúng, là do họ không chú ý và chủ động sửa lỗi. Chỉ nhìn qua mà không nhìn lại nhiều lần, không viết xuống thì lần sau khó mà viết đúng. Trí nhớ của chúng ta như một “cung điện kí ức”, khi đã nhìn qua rồi là đã có mặt ở đó, không mất đi, nhưng lại rất khó tìm ra nếu hình ảnh đó quá mờ nhạt.
#3: Một quyển từ điển
Tại sao là 1 quyển từ điển mà không phải là từ điển trên mạng? Tôi đã thử dùng từ điển trên mạng, nhưng lại không thấy hiệu quả, vì có rất nhiều luồng ý kiến, ngay cả người search cũng đã vô hình trung (hoặc vô hình dung đều được) tạo nên 1 thế giới phản loạn. Nơi đó, số từ viết sai cũng nhiều bằng những từ viết đúng, và không phải những từ được giải thích về nghĩa thì chắc chắn là từ viết đúng, mặc dù trông cũng rất thuyết phục.
Tôi thường khuyên những người bạn và team của tôi, nên có 1 quyển từ điển tiếng Việt trong nhà. Không chỉ người hay sai chính tả mới cần dùng để dò từ đúng, mà ngay cả người viết đúng cũng nên thường xuyên xem từ điển, để trao dồi thêm nhiều từ mới, hiểu được nghĩa gốc của từ đó mà dùng cho những hoàn cảnh phù hợp. Ví dụ, tại sao không dùng “phán xét” mà phải dùng “quyết định” mặc dù nghe cũng gần giống nghĩa nhau. Xem từ điển cũng là cách học những từ đồng nghĩa và trái nghĩa rất hay, vừa tăng được vốn từ vừa giúp dùng từ linh hoạt hơn, diễn tả tốt hơn ý tưởng của mình.
Trong từ điển có hơn 10000 đầu từ, nhưng thường ta chỉ dùng khoảng 3-4000 từ, các từ còn lại là từ chuyên ngành hoặc các từ cổ, đã không còn phù hợp với môi trường hiện nay. Trông đơn giản hơn nhiều phải không nào?
#4: Nhờ người khác soi bài
Một cách đơn giản hơn là tự mình tìm ra lỗi sai, đó chính là nhờ người khác xem và chỉ ra lỗi giúp mình. Đây cũng là cách nhanh chóng giúp bạn viết đúng chính tả hơn (nếu tuân thủ #2). Có lần tôi cũng viết sai 1 lỗi trong cả bài dài hơn 700 từ. Tôi đã dò đi dò lại nhiều lần vẫn không phát hiện ra lỗi, nhưng chỉ cần đưa cho người bạn của tôi dò là ra ngay.
Nếu bạn nhờ người khác soi bài, bạn hãy chắc rằng người đó ít sai sót về chính tả. Nếu được, có thể nhờ 2-3 người cho chắc chắn.
Nhờ 1 người mà bạn tin cậy kiểm tra chính tả giúp bạn
Từ từ, bạn sẽ hình thành được thói quen tự biết mình đã viết sai và sửa lại. Không phân vân giữa dấu này hay dấu kia nữa, và cuối cùng, trải qua nhiều tháng luyện tập, chính tả của bạn đã được 10 điểm rồi đấy. Chúc mừng bạn!
—-
Một số cách phân biệt khi viết chính tả (do tôi tự đặt ra, nếu có sai sót thì xin góp ý để tôi sửa chữa)
- “Sửa” và “Sữa”: tất cả các loại uống được sẽ là “sữa” và còn lại là “sửa”.
- “Sẵn” và “Sẳn: không có chữ “sẳn” dù trong từ gì đi nữa.
- “Nghĩ” và “Nghỉ”: thuộc về ý nghĩ, trí não sẽ mang dấu ngã, còn lại, thuộc về thể xác, hữu hình sẽ mang dấu hỏi.
- “Sao” và “Sau”: câu hỏi hoặc thứ gì đó xa vời thì dùng “Sao”, những gì tiếp nối/tiếp theo 1 thứ, 1 câu, 1 chuyện gì đó thì dùng “Sau”.
- …
Chúc bạn sớm lấy lại phong độ trong chính tả, để truyền tải tối đa ý tưởng của mình vào bài viết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét