Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Quản lý người giỏi hơn mình

Theo quy luật “Nút chai” (law of the lid), nếu bạn là người lãnh đạo và kiêm luôn người giỏi nhất đội ngũ thì công ty sẽ chỉ phát triển nhiều nhất là hết mức khả năng của bạn. Ngược lại, nếu công ty có nhiều người giỏi hơn bạn, tiềm năng phát triển sẽ cao hơn rất nhiều. Thế nhưng quản lý một đội ngũ giỏi và nhiều khi chuyên môn cao hơn mình không hề dễ dàng. Đâu là bí quyết thu phục người giỏi?

Quản lý chính mình

Trước đây tôi cũng từng tự hỏi “Nếu tuyển một người giỏi hơn liệu họ có nắm điểm yếu và qua mặt mình dễ dàng? Nhất là khi nhân viên giỏi thường tự tin và hiếu thắng, ít khi chịu nghe góp ý”. Chưa kể người giỏi sẽ quan ngại về năng lực của người quản lý hoặc sớm chán nản khi thấy ít học hỏi được từ sếp. Về sau tôi nghiệm ra rằng, muốn quản lý người giỏi, trước tiên mình phải quản lý được chính những suy nghĩ tự ti hoặc áp đặt kiểu như “Sếp là người biết tuốt và phải đủ giỏi giang để cứu nguy nhân viên mỗi khi cần”. Nếu được vậy thì tốt, nhưng nếu sếp luôn biết cần hỏi ai & ”tìm trợ giúp” ở đâu thì còn tốt hơn nhiều. Chúng ta không thể trở thành chuyên gia giỏi trong mọi lĩnh vực, nhưng một quản lý giỏi có thể thu hút nhiều người giỏi hơn phải làm việc cho mình nếu giúp được người giỏi “tỏa sáng”. Nhà quản lý hiệu quả trong một tập thể nhiều nhân viên giỏi cũng sẽ là sợi dây liên kết tốt để nhiều “ngựa chứng” cùng hợp tác làm việc, tạo nên đội ngũ “ngựa chiến siêu lợi hại” cho công ty.

Bí quyết thu phục người tài

Điều những nhân viên giỏi cần là một thủ lĩnh giỏi về “Tâm & Tầm” chứ không phải một đồng nghiệp thạo việc như họ. Nhớ đến Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không tài giỏi nhưng ngang tàng, phách lối lại quy phục Đường Tăng vốn chả biết gì võ công phép thuật. Hay Lưu Bị tuy không thể so với Gia Cát Lượng về trí thông minh và tài mưu lược nhưng vẫn có thể thu dụng quân sư giỏi nhất thời đó.

Hãy bắt đầu với việc gia tăng sự tín nhiệm và giá trị của bạn với nhân viên bằng việc chia sẻ những định hướng chung giàu cảm hứng. Sự chân thành, gần gũi và tin cậy lẫn nhau sẽ là bước khởi đầu cho thành công tương lai.

Đừng ngại ngần giao cho người giỏi những công việc đầy thử thách và để họ được khám phá, học hỏi từ những điều mới. Chính lãnh đạo cũng phải cởi mở để tạo môi trường học hỏi lẫn nhau thì mới cùng nhau tiến tới mục tiêu chung được.

Tuyển chọn được những cái đầu giỏi hơn mình, công ty sẽ có những lợi ích đáng kể. Vì thế, thay vì sợ người giỏi hơn sẽ lấn lướt mình, hãy trở thành nhà quản lý giỏi - “cục nam châm” thu hút thêm nhiều nhân tài cho doanh nghiệp.

THANH NGUYỄN
Chief Opportunity Connector – Anphabe.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét